Khổ vì nuôi cá
Nhãn hiệu tập thể cá chình, cá bống tượng xã Tân Thành được công nhận, nông dân rất phấn khởi vì cứ ngỡ rằng khi đã có thương hiệu chính thức sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất, không còn bị thương lái ép giá. Nhưng niềm vui đó không giữ được lâu, vì từ trước Tết đến nay, giá cá nuôi liên tục xuống dốc không phanh khiến nhiều hộ dân như ngồi trên lửa.
Gặp khó trăm bề
Tôi trở lại xã Tân Thành, TP. Cà Mau sau hơn 2 tháng và gặp lại những nông dân đã một thời “vươn lên từ đất”. Không khác với lần trước, vẫn với vẻ mặt đượm buồn pha chút thất vọng, ông Tô Hoàng Xuyên, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành dẫn tôi “tham quan” những ao cá kèo, cá bống tượng, cá chình… ế chỏng chơ đang “nằm thoi thóp” để chờ giá lên.
Ông Tô Hoàng Xuyên nói, đầu năm 2000, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con đào ao thả cá. Nhờ được mùa, trúng giá nên chỉ sau vài năm, đa phần đời sống của bà con nâng lên rõ rệt, nhiều hộ đã trả sổ hộ nghèo và xây dựng cơ ngơi kiên cố.
“Riêng Ấp 4 là ấp không còn hộ nghèo. Nhưng nếu thực trạng giá cá liên tục giảm mạnh thì chắc nhiều hộ dân phải lại đăng ký “nghèo bền vững”, ông Tô Hoàng Xuyên than thở.
Ông Tô Hoàng Xuyên cho biết, khoảng 4 năm về trước, giá cá cao ngất ngưởng, nhiều hộ phất lên làm giàu nhờ con cá. Thấy vậy, bà con ùn ùn đào ao nuôi cá dẫn đến tình trạng “dội hàng”. Hiện nay, diện tích nuôi cá trong toàn xã Tân Thành khoảng 240 ha, chủ yếu là nuôi cá chình, cá bống tượng với gần 1.000 hộ nuôi.
Riêng cá kèo có 20 hộ nuôi với khoảng 17 ha. Vụ vừa qua có đến 15 hộ thua lỗ từ 20–30 triệu đồng, 5 hộ may mắn phá huề. Với nét mặt ngao ngán, anh Mạc Trường Giang, 38 tuổi, Ấp 5, xã Tân Thành thở dài: “Vụ này được mùa mà mất giá, đến nay giá cá kèo vẫn không nhỉnh lên chút nào. Thế nhưng tiền ban đất lấp ao còn mắc hơn tiền mua con giống nên vụ này tôi liều nuôi cá một phen nữa xem sao. Hy vọng là giá cá tăng lên để nông dân tụi tôi đỡ khổ”.
Xã Tân Thành có thế mạnh nuôi cá. Xã đã thành lập được 2 tổ hợp tác nuôi cá chình, 6 tổ hợp tác nuôi cá bống tượng, 1 câu lạc bộ 90 triệu nuôi cá bống tượng và Hợp tác xã Tân Thành Tiến nuôi cá chình, nhưng việc liên kết “4 nhà” vẫn còn rất lỏng lẻo. Vụ cá rớt giá vừa qua, bà con nông dân khốn đốn tìm thương lái và dẫu biết bị ép giá nhưng họ vẫn phải bán tháo, bán đổ.
Anh Phan Văn Vạn, 38 tuổi, Ấp 5, xã Tân Thành một thời “vươn lên từ đất” trầm ngâm kể, ngày mới ra riêng anh chỉ có mảnh vườn để nuôi cá. Ấy vậy mà chỉ sau vài năm phấn đấu, chí thú làm ăn, anh đã xây cho mình căn nhà gần 150 triệu đồng và có dư đôi chút. Vụ rồi, anh nuôi 2 ao cá bống tượng với diện tích khoảng 400 m2 nhưng đến thời điểm lên cá thì giá sụt mạnh. Do không có vốn để neo ao, anh đành ngậm ngùi “nhắm mắt” bán rẻ như cho.
Ông Tô Hoàng Xuyên thông tin, ao cá chình, cá bống tượng tầm 100 m2 thì trung bình mỗi ngày phải tốn khoảng 10 kg thức ăn với giá cá mồi dao động từ 12.000–15.000 đồng/kg. Bởi thế, chỉ những hộ khá giả mới có khả năng neo ao trong thời gian dài. Còn những hộ trung bình hoặc khó khăn thì phải bán tháo bán đổ thế nên nghèo vẫn hoàn nghèo.
“Thủ phủ” cá bổi thất thủ
Sau khi nuôi cá rô bị thiệt hại nặng nề vì giá cả bấp bênh, nông dân huyện Trần Văn Thời chuyển sang nuôi cá bổi. Ban đầu việc nuôi cá bổi chỉ mang tính tự phát một vài hộ. Dần dà, khi thấy nhiều hộ nuôi trúng mùa và giá thành ổn định nên bà con ngày đêm đào ao thả giống.
Khô bổi Trần Văn Thời nức tiếng xa gần nhưng 2 năm nay bắt đầu chịu cảnh ế hàng dội chợ và giá cả giảm thảm hại. Ảnh: Nhật Huy.
Thế nhưng gần 2 năm nay, giá cá bổi trên thị trường lao dốc không phanh, một phần do lượng cá bổi từ tỉnh trên chở về Cà Mau quá nhiều và được bán với giá rất thấp. Tại thời điểm này, giá cá bổi chỉ khoảng 17.000 đồng/kg khiến nông dân huyện Trần Văn Thời và U Minh mất ăn mất ngủ dù họ cũng đã sở hữu thương hiệu “Cá bổi U Minh”.
Anh Nguyễn Chí Cuộc, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Năm rồi tôi nuôi 1 ao cá bổi. May mắn là tôi lên cá sớm, được giá 32.000 đồng/kg nên chỉ lỗ đôi chút. Chứ nếu đợi tới thời điểm này vừa tốn tiền thức ăn, vừa liên tục sụt giá thì bị lỗ nặng rồi. Lúc trước tôi cũng khá lên nhờ con cá bổi nên giờ dẫu nó có bị rớt giá vẫn đeo nuôi tiếp, vì nếu bỏ tôi cũng không biết làm nghề gì”.
Khác với anh Cuộc, nhiều hộ dân ở kinh Dân Quân, Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời đã “đầu hàng” con cá bổi. Do vụ vừa rồi nuôi nhiều nên họ bị tổn thất nặng nề, có hộ thua lỗ trên 100 triệu đồng. Đi đến kinh này, thấy ao, đầm bỏ trống mới thấu được nỗi khổ của người dân. Hết vốn làm ăn, một số hộ bỏ đi Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân. Còn đối với những người muốn bám trụ thì làm mướn hay lấy ao trống nuôi cá phi để kiếm ăn qua ngày.
Trong cái khó có cái may, vì ở ngay thị trấn đã xuất hiện “người hùng” gỡ bí cho hàng chục hộ dân đang bế tắc đầu ra con cá bổi. Ông Ba Đức (Lê Minh Đức, 69 tuổi, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời) thu mua hết số lượng cá bổi của hơn 20 hộ dân và đang giải quyết việc làm cho gần 30 người làm công. Trước tình hình cá bổi thịt xuống giá sát đáy, ông đã chuyển sang làm khô để bán ra thị trường với giá thành tương đối cao.
Đợt rồi ông Ba Đức đã thu mua trên 75 tấn cá thịt chế biến thành 25 tấn cá khô để bán cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Diện tích nuôi cá bổi của huyện là 217 ha, trung bình năng suất 20 tấn/ha. Rõ ràng, sau mỗi vụ nuôi thì lượng cá bổi cung cấp ra thị trường là rất lớn, không thể một mình ông Ba Đức cáng đáng được.
Thế nhưng, trong câu chuyện trao đổi với ngành có trách nhiệm duy nhất của huyện về vấn đề nuôi trồng, họ lại đẩy phần khó về nông dân. Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời nhận định, nông dân muốn có đầu ra ổn định và không bị thương lái ép giá thì phải ý thức làm ăn tập thể, theo dõi thông tin thị trường và không nên sản xuất dàn trải khi chưa tìm được chuỗi đầu ra. Nông dân nên thành lập hợp tác xã để mời gọi các doanh nghiệp lớn về đầu tư, đặt hàng sản phẩm. Nhưng với thực tế hiện nay tỉnh ta chưa có nhiều doanh nghiệp lớn nên gặp không ít khó khăn. Vì thế, Phòng NN&PTNT sẽ phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ và giúp đỡ nông dân về việc tìm đối tác.
Hơn 10 năm nông dân nuôi cá bổi mà hôm nay ngành chuyên môn mới có ý định phối hợp để hỗ trợ cùng những lời khuyên bàn giấy thì việc làm ăn tự phát và hệ lụy là không tránh khỏi. Câu hỏi thực tế đặt ra là ngành chuyên môn được thành lập để giữ vai trò gì trong đời sống của nhà nông?
Ông Lê Minh Đức tâm sự: “Khi thấy bà con khổ quá, tôi cũng muốn thành lập một hợp tác xã làm khô cá bổi để cùng nhau vượt qua khó khăn này. Nhưng điều này rất khó, vì hiện nay chúng tôi chưa tìm được công ty hay doanh nghiệp nào đặt hàng khô cá bổi mà chỉ bán lẻ. Nếu sản xuất ồ ạt, đại trà thì tiếp tục bị ứ đọng vì không có đầu ra. Rất mong các ngành chức năng hỗ trợ chúng tôi về vấn đề tìm đầu ra”.